Hướng dẫn Hướng dẫn xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng không khí
09/06/2021 1817 lượt xem https://cwer.vn/TN&MT) - Bộ TN&MT vừa ra công văn số 3051/BTNMT-TCMT gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc hướng dẫn kỹ thuật xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh
6 bước lập kế hoạch quản lý môi trường không khí cấp tỉnh
Hướng dẫn nêu rõ quy trình và phương pháp xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường. Trong đó, quy trình lập Kế hoạch bao gồm: Đánh giá hiện trạng và diễn biến chất lượng môi trường không khí và công tác quản lý chất lượng môi trường không khí; Xác định mục tiêu quản lý chất lượng môi trường không khí; Xác định, phân tích chi phí - hiệu quả, đề xuất các giải pháp quản lý chất lượng môi trường không khí được ưu tiên thực hiện; Đề xuất các nội dung và lộ trình thực hiện của Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí; Tham vấn dự thảo Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí; Hoàn thiện dự thảo Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí
Việc đánh giá hiện trạng chất lượng môi trường không khí căn cứ vào các nguồn dữ liệu là: Kết quả của các chương trình quan trắc chất lượng môi trường không khí tại địa phương: số liệu từ các trạm quan trắc chất lượng môi trường không khí tự động, liên tục tại địa phương; số liệu từ các chương trình quan trắc môi trường định kỳ của địa phương và các chương trình quan trắc môi trường quốc gia thực hiện tại địa phương; Thông tin, dữ liệu từ các nguồn khác có liên quan: kết quả của các công trình nghiên cứu khoa học, các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, cấp bộ và cấp tỉnh đã được nghiệm thu hoặc các dự án hợp tác quốc tế có liên quan; Căn cứ để so sánh, đánh giá giá trị nồng độ quan trắc các thông số cơ bản trong không khí xung quanh của địa phương vượt so với giá trị giới hạn theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng không khí xung quanh - QCVN 05:2013/BTNMT.
Ảnh minh họa |
Các nhóm giải pháp
Tại hướng dẫn này, Bộ TN&MT cũng đưa ra các nhóm giải pháp để các địa phương có thể xem xét lựa chọn. Đó là, nhóm các giải pháp quản lý; nhóm các giải pháp kỹ thuật; nhóm các giải pháp kinh tế; nhóm các giải pháp tuyên truyền, giáo dục và nâng cao năng lực, nhận thức về quản lý chất lượng môi trường không khí.
Cụ thể, đối với nhóm giải pháp quản lý, các địa phương cần thực hiện triển khai quy hoạch đô thị, sử dụng đất, cơ sở hạ tầng để giảm nhu cầu đi lại trong mạng lưới giao thông đô thị, đồng thời để lựa chọn địa điểm phù hợp cho các khu công nghiệp mới; Tăng cường và giám sát việc tuân thủ thực hiện đánh giá tác động môi trường đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp, chú trọng đến việc thực hiện các giải pháp ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí; Thực hiện di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường không khí ra khỏi khu vực đô thị và khu dân cư; Tăng cường và giám sát việc thực hiện các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải ngành sản xuất công nghiệp; Tăng cường việc thực hiện đăng ký, kiểm kê phát thải công nghiệp đối với các nguồn thải tại các cơ sở sản xuất có quy mô vừa và nhỏ; Tăng cường và giám sát việc thực hiện xả khí thải theo giấy phép môi trường và thúc đẩy các giải pháp quản lý chất thải bền vững; Xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm khuyến khích sử dụng nhiên liệu sạch, đổi mới công nghệ, áp dụng sản xuất sạch hơn để giảm phát thải khí thải trong sản xuất công nghiệp và giao thông vận tải; Áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn khí thải phù hợp đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo quy định của Nhà nước …
Nhóm các giải pháp kỹ thuật: Tiết kiệm năng lượng và nguyên vật liệu, nhiên liệu để tăng cường hiệu quả của các quá trình sản xuất công nghiệp; - Sử dụng các loại nguyên, nhiên liệu có chất lượng tốt (ví dụ: có hàm lượng lưu huỳnh thấp), hoặc chuyển đổi sang sử dụng các loại nhiên liệu sạch ít phát thải (ví dụ: khí tự nhiên); - Tăng cường giao thông phi cơ giới (xe đạp, đi bộ); - Áp dụng các công nghệ sản xuất mới, tiên tiến, thân thiện với môi trường; - Lắp đặt và vận hành hệ thống quan trắc khí thải công nghiệp tự động; - Lắp đặt và vận hành các công trình, thiết bị xử lý khí thải; 8 - Áp dụng các biện pháp kỹ thuật tốt nhất hiện có (BAT) và kinh nghiệm quản lý môi trường tốt nhất (BEP) nhằm giảm thiểu phát thải; - Kiểm tra và chứng nhận dây chuyền lắp ráp phương tiện giao thông cơ giới; - Tăng cường việc thực hiện công tác kiểm định khí thải, bảo trì, bảo dưỡng đối với các phương tiện giao thông đường bộ; - Thực hiện các giải pháp che chắn công trình trong quá trình thi công xây dựng công trình, cơ sở hạ tầng; - Kiểm soát bụi trong quá trình thi công, vận chuyển nguyên vật liệu, chất thải tại các công trường xây dựng
Nhóm các giải pháp về kinh tế: Xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ, bù giá, phí dịch vụ môi trường thuộc thẩm quyền của địa phương; Quy định các mức giá khác nhau để thúc đẩy, khuyến khích sử dụng các loại nhiên liệu sạch, phương tiện giao thông công cộng… Quy định về các mức phí đỗ xe, dịch vụ công cộng.
Ngoài ra, các nhóm giải pháp khác phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương cũng có thể được lựa chọn để phân tích.
Tổng cục Môi trường sẽ hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc
Theo Bộ TN&MT, để triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 985a/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 và Chỉ thị số 03/CT-TTg về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí. Trong đó giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì hướng dẫn kỹ thuật xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường cấp tỉnh và yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện nghiêm việc xây dựng và triển khai Kế hoạch quản lý chất lượng không khí cấp tỉnh theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 985a/QĐ-TTg. Để các địa phương xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh theo đúng các quy định và yêu cầu nêu trên, Bộ đã soạn thảo tài liệu này. Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nghiên cứu hướng dẫn, tổ chức xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh và ban hành để triển khai thực hiện.
Bộ Tài nguyên và Môi trường giao Tổng cục Môi trường hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện hướng dẫn xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí. Trong quá trình thực hiện hướng dẫn xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương kịp thời phản ánh về Bộ Tài nguyên và Môi trường để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Theo baotainguyenmoitruong.vn
BÀI VIẾT KHÁC