LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG 2020 ĐÁNH DẤU BƯỚC TIẾN MỚI
07/08/2021 1520 lượt xem https://cwer.vn/(TN&MT) - Năm 2020, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được Quốc hội thông qua. So với các Luật khác, việc sửa đổi bộ Luật này khó hơn nhiều bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống và quyền phát triển của con người. Không những thê, nó còn liên quan đến nhiều Luật khác.
Để tránh được sự chồng chéo trong quản lý, giải quyết bài toán không hy sinh môi trường để phát triển, nhưng cũng không quá cứng nhắc dẫn đến kìm hãm phát triển là điều không dễ dàng.
Nhìn lại quá trình ban hành, sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) có thể thấy, đây là lần thứ 3 đạo Luật này được sửa đổi (lần đầu được thông qua năm 1993 và được sửa đổi hai lần vào các năm 2005, 2014). Để hoàn thiện Luật BVMT 2020, Bộ TN&MT đã tổng kết Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, phát hiện những khó khăn, những vướng mắc, hạn chế, bất cập cần sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh; tổ chức hàng chục cuộc hội thảo, hội nghị tiếp thu hàng trăm ý kiến của các nhà khoa học, các nhà quản lý, các chuyên gia quốc tế…
Sau gần 2 năm tiếp thu, sửa đổi, ngày 17/11, Quốc hội chính thức thông qua Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), có tới 443/466 đại biểu tán thành. Điều này cho thấy, những quy định, mục tiêu cải cách mà Bộ TN&MT đưa vào trong Luật được người dân ủng hộ mạnh mẽ.
Đồng quan điểm này, bà Trần Thị Quốc Khánh (ĐBQH Hà Nội) “đánh giá cao sự tiếp thu của Bộ TN&MT trong quá trình soạn thảo, hoàn thiện Luật”. Bà còn tin tưởng, nếu thực hiện tốt các quy định trong Luật chắc chắn sẽ tạo cuộc cách mạng trong tiêu thụ sản phẩm “xanh”, thân thiện với môi trường. Góp phần hình thành lối sống mới, thúc đẩy mỗi người dân thay đổi suy nghĩ, cách ứng xử hàng ngày. Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà khẳng định, từng câu, chữ trong Luật đều có tâm huyết của Chính phủ, người dân, các tổ chức và đặc biệt là có sự đồng hành của các đại biểu Quốc hội. Ông Trần Văn Lâm (ĐBQH Bắc Giang) cho rằng: Đây là lần sửa luật rất căn bản, toàn diện, cơ quan soạn thảo đã rất cầu thị, tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý.
Sự tin tưởng đó hoàn toàn có cơ sở bởi lẽ, trong Luật BVMT 2020, lần đầu tiên cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác BVMT. Luật đã bổ sung quy định thiết lập hệ thống trực tuyến tiếp nhận, xử lý, trả lời phản ánh, kiến nghị, tham vấn của tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về BVMT. Qua đó cộng đồng dân cư có thể tham gia giám sát hoạt động BVMT thông qua công nghệ thông tin, tương tác các ứng dụng thông minh trên điện thoại di động.
Đặc biệt, việc phân loại rác thải từ nguồn (trước đây đã nhiều lần thất bại) tới đây chắc chắn sẽ có chuyển biến tích cực. Lần đầu tiên Luật quy định phí xử lý rác thải được tính theo khối lượng hoặc thể tích thay cho việc tính bình quân theo hộ gia đình hoặc đầu người như hiện nay. Tại các điểm tập kết rác thải, nếu phát hiện việc phân loại không đúng quy định thì đơn vị thu gom, vận chuyển có quyền từ chối thu gom, vận chuyển và thông báo cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xác định hộ gia đình, cá nhân vi phạm và xử lý nghiêm….
Các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm, bao bì có khả năng tái chế/khó có khả năng tái chế phải thu hồi với tỷ lệ và quy cách bắt buộc hoặc thông qua hợp đồng dịch vụ hoặc cơ chế đóng góp tài chính. Việc phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt sẽ được áp dụng chậm nhất là ngày 31/12/2024 và UBND cấp xã có trách nhiệm kiểm tra việc tuân thủ, xử lý hoặc chuyển cấp có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.
Luật cũng bổ sung nhiều giải pháp bảo vệ các thành phần môi trường, đặc biệt là môi trường không khí, môi trường nước. Quy định buộc phải lồng ghép và thúc đẩy các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp trong xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án về phát triển kinh tế - xã hội, Luật BVMT 2020 mở ra cơ hội để tài nguyên như đất, nước, rừng không bị hủy hoại, sử dụng lãng phí.
Một điểm đột phá lớn không thể không nhắc đến, đó là, lần đầu tiên chế định về thẩm quyền quản lý Nhà nước dựa trên nguyên tắc quản lý tổng hợp, thống nhất, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện. Điều này được thể hiện rõ, khi đưa các quy định rải rác, phân tán về BVMT trong các luật khác vào Luật BVMT 2020, đưa các chức năng quản lý Nhà nước về BVMT đang phân tán ở một số Bộ về Bộ TN&MT như quản lý chất thải rắn, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường; phân cấp đi đôi với phân quyền; chuyển vai trò của Nhà nước sang vai trò trung tâm của doanh nghiệp, cộng đồng và người dân. Luật phân định rõ vai trò quản lý với việc tổ chức thực hiện, xác định rõ đơn vị chịu trách nhiệm chính trong vấn đề môi trường. Quy định rõ trách nhiệm của Bộ TN&MT, Bộ Y tế, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh trong theo dõi, kiểm soát, phòng ngừa các chất ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Luật cũng giải quyết mối quan hệ giữa bộ Luật mang tính cơ bản với các Luật chuyên ngành. Đơn cử, Khoản 3, Điều 29 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2021 (sớm hơn thời điểm Luật có hiệu lực 10 tháng) sẽ tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc về những quy định chồng chéo giữa Luật BVMT và Luật Đầu tư về thời điểm thực hiện thủ tục ĐTM để thuận lợi khi triển khai các dự án đầu tư. Luật sẽ giải quyết được những chồng chéo, bất cập giữa pháp luật về BVMT và Luật Tài nguyên nước, Luật Thủy lợi, điển hình như quy định về tích hợp nội dung Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước trong Giấy phép môi trường.
Đáng chú ý, Luật đã phân cấp mạnh mẽ cho địa phương trong thẩm định báo cáo ĐTM. Quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí, đất, nước… Qua đó tạo hành lang pháp lý trong việc tổ chức thực hiện đồng bộ các kế hoạch, giải pháp quản lý môi trường, góp phần từng bước nâng cao chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh.
Những thay đổi mang tính đột phá trong Luật sẽ giúp cắt giảm trên 40% TTHC, giảm thời gian thực hiện các TTHC từ 20 - 85 ngày, góp phần giảm chi phí. Cùng với đó, việc thay đổi phương thức quản lý môi trường đối với dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường; kiểm soát chặt chẽ dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao; áp dụng đầy đủ các công cụ môi trường để quản lý, sàng lọc dự án đầu tư có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao…
Những điểm đột phá trong Luật BVMT 2020 được đánh giá là khung pháp lý quan trọng để bảo đảm cho việc giữ gìn, bảo vệ môi trường, không những ở khu vực dân cư mà còn cả những khu vực sản xuất tập trung và với những dự án, công trình lớn có thể gây ra những hậu quả, nguy cơ lớn và lâu dài về môi trường. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm UBKH-CN&MT Quốc hội Phan Xuân Dũng khẳng định: “Rất ít Dự án Luật mới nào có nhiều chính sách mới mang tính chất đột phá như vậy!”
Với 171 điều, tập trung vào 12 nhóm chính sách cho thấy đây là một luật lớn, đồ sộ và phức tạp. Vì vậy, việc triển khai tổ chức đương nhiên sẽ rất khó khăn. Các cấp, các ngành cần chủ động rà soát, chuẩn bị các điều kiện để bảo đảm lộ trình thực hiện một số nội dung theo đúng quy định của Luật. Về phía địa phương, thiết nghĩ trong luật đã quy định việc UBND cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận đăng ký BVMT của các dự án sản xuất kinh doanh quy mô nhỏ buộc các địa phương phải kiện toàn, nâng cao năng lực đội ngũ công chức cấp xã được giao công tác quản lý TN&MT...
Bước sang năm 2021, để tổ chức thực hiện những vấn đề mới trong Luật hiệu quả, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, Bộ sẽ phối hợp với các tổ chức, đơn vị, chuyên gia để tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn đến doanh nghiệp và người dân. Những việc phân cấp cho địa phương thì cần phải đánh giá tổ chức bộ máy, nhân sự và có những kiến nghị để đáp ứng được yêu cầu... Ban hành Kế hoạch chuẩn bị các nghị định, đề án để triển khai luật này, để các văn bản như nghị định, thông tư, quy chuẩn sẽ cùng có hiệu lực cùng đúng vào thời điểm hiệu lực của Luật vào 1/1/2022.
Theo Mai Chi - 17:46 31/12/2020 - Báo TN&MT
BÀI VIẾT KHÁC