QUY ĐỊNH VỀ LẮP ĐẶT TRẠM QUAN TRẮC KHÍ THẢI THEO NGHỊ ĐỊNH 40/2019/NĐ-CP.
03/06/2021 2697 lượt xem https://cwer.vn/Đối tượng thực hiện quan trắc khí thải tự động, liên tục được quy định rõ trong nghị định 40/2019/NĐ-CP. Trong đó, tại điều 47, quy định:
Điều 47. Quan trắc khí thải công nghiệp
1. Đối tượng, tần suất và thông số quan trắc khí thải định kỳ
a) Các cơ sở và dự án đã đi vào vận hành có quy mô, công suất tương đương với đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và có tổng lưu lượng khí thải thải ra môi trường từ 5.000 m3 khí thải/giờ trở lên (theo tổng công suất thiết kế của các hệ thống, thiết bị xử lý khí thải hoặc theo lưu lượng khí thải đã được phê duyệt trong báo cáo đánh giá tác động môi trường và các hồ sơ tương đương), phải thực hiện quan trắc khí thải định kỳ với tần suất là 03 tháng/01 lần. Trường hợp quy chuẩn kỹ thuật về môi trường hoặc quy định về kỹ thuật quan trắc môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành có quy định về tần suất quan trắc một số thông số ô nhiễm đặc thù theo ngành, lĩnh vực thì thực hiện theo quy chuẩn đó;
b) Các cơ sở, dự án đã đi vào hoạt động có quy mô, công suất tương đương với đối tượng phải đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường và có tổng lưu lượng khí thải thải ra môi trường từ 5.000 m3 khí thải/giờ trở lên (theo tổng công suất thiết kế của các hệ thống, thiết bị xử lý khí thải hoặc theo lưu lượng khí thải đã đăng ký trong kế hoạch bảo vệ môi trường), phải thực hiện quan trắc khí thải định kỳ với tần suất là 06 tháng/01 lần. Trường hợp quy chuẩn kỹ thuật về môi trường hoặc quy định về kỹ thuật quan trắc môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành có quy định tần suất quan trắc một số thông số ô nhiễm đặc thù theo ngành, lĩnh vực thì thực hiện theo quy chuẩn đó;
c) Khuyến khích các cơ sở không thuộc đối tượng quy định tại điểm a và điểm b khoản này thực hiện quan trắc khí thải định kỳ, làm cơ sở để đánh giá sự phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật về môi trường; trường hợp khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, phải rà soát lại hệ thống, thiết bị xử lý khí thải hoặc cải tạo, nâng cấp hệ thống, thiết bị xử lý khí thải bảo đảm đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường trước khi xả thải ra môi trường;
d) Thông số quan trắc khí thải định kỳ thực hiện theo các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc quy chuẩn kỹ thuật địa phương về môi trường quy định;
đ) Việc quan trắc lưu lượng khí thải của hệ thống, thiết bị xử lý khí thải có lưu lượng lớn quy định tại Phụ lục I Mục III Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này thực hiện thông qua thiết bị đo lưu lượng dòng khí thải; lưu lượng khí thải của các hệ thống, thiết bị xử lý khí thải khác được xác định thông qua thiết bị quan trắc khí thải theo quy định
2. Đối tượng phải thực hiện quan trắc khí thải tự động, liên tục bao gồm:
a) Dự án, cơ sở thuộc danh mục các nguồn thải khí thải lưu lượng lớn quy định tại Phụ lục I Mục III Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Các lò đốt chất thải nguy hại; các lò đốt chất thải của cơ sở xử lý chất thải rắn tập trung quy mô cấp tỉnh;
c) Khí thải của các cơ sở sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường;
d) Cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xả khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường mà tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần;
đ) Các đối tượng khác do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.
Dưới đây là trích dẫn các đối tượng phải thực hiện lắp đặt trạm quan trắc khí thải tự động, liên tục theo phụ lục I, nghị định 40/2019/NĐ-CP:
STT |
Loại hình |
Công suất |
1 |
Sản xuất gang, thép |
Từ 200.000 tấn/năm trở lên |
2 |
Nhiệt điện |
Tất cả, trừ nhà máy nhiệt điện sử dụng hoàn toàn nhiên liệu là khí đốt |
3 |
Sản xuất clinker, xi măng |
Tất cả |
4 |
Sản xuất hóa chất, phân bón hóa học |
Từ 10.000 tấn/năm trở lên |
5 |
Công nghiệp lọc, hóa dầu |
Tất cả |
6 |
Cơ sở có sử dụng lò hơi công nghiệp |
Từ 20 tấn hơi/giờ trở lên (tính cho tổng công suất các lò hơi), trừ trường hợp sử dụng hoàn toàn nhiên liệu là khíđốt, dầu DO |
7 |
Sản xuất thủy tinh |
Từ 10.000 tấn sản phẩm/năm trở lên, trừ trường hợp sử dụng hoàn toàn nhiên liệu là khí đốt |
8 |
Sản xuất gạch, ngói |
Tổng công suất từ 100 triệu viên gạch, ngói trở lên, trừ trường hợp sử dụng hoàn toàn nhiên liệu là khí đốt |
9 |
Lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, lò đốt chất thải rắn công nghiệp thông thường |
Từ 3 tấn/giờ trở lên |
10 |
Lò đốt chất thải nguy hại; lò đốt chất thải y tế |
Từ 0,5 tấn/giờ trở lên |
11 |
Cơ sở có sử dụng lò dầu tải nhiệt |
Từ 3,5 triệu kcal/giờ trở lên (tính cho tổng công suất các lò), trừ trường hợp sử dụng hoàn toàn nhiên liệu là khí đốt |
3. Đối tượng quy định tại khoản 2 Điều này phải lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục, có camera theo dõi, truyền số liệu trực tiếp cho Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có cơ sở trước ngày 31 tháng 12 năm 2020.
Các dự án quy định tại khoản 2 Điều này đang triển khai xây dựng, phải lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục trước khi đưa dự án vào vận hành. Đối với trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 Điều này phải lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục theo thời hạn ghi trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Thông số quan trắc khí thải tự động, liên tục gồm:
a) Các thông số môi trường cố định gồm: lưu lượng, nhiệt độ, áp suất, O2 dư, bụi tổng, SO2, NOx và CO (trừ trường hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với một số lĩnh vực đặc thù không yêu cầu kiểm soát);
b) Các thông số môi trường đặc thù theo ngành nghề được nêu trong báo cáo và quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường được xác nhận.
4. Hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục, có camera theo dõi phải được thử nghiệm, kiểm định, hiệu chuẩn theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ, tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng.
5. Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương có trách nhiệm:
a) Giám sát dữ liệu quan trắc khí thải tự động, liên tục; đánh giá kết quả quan trắc khí thải tự động, liên tục theo giá trị trung bình ngày (24 giờ) của các kết quả đo và so sánh với giá trị tối đa cho phép các thông số ô nhiễm theo quy chuẩn kỹ thuật về chất thải; theo dõi, kiểm tra việc khắc phục trong các trường hợp: dữ liệu quan trắc bị gián đoạn; phát hiện thông số giám sát vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường quy định và đề xuất biện pháp xử lý theo quy định;
b) Tổng hợp, truyền số liệu quan trắc khí thải tự động, liên tục trên địa bàn tỉnh về Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định và khi được yêu cầu.
6. Khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều này lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục để theo dõi, giám sát và đề xuất các giải pháp cải thiện môi trường đối với hệ thống, thiết bị xử lý khí thải của mình. Các cơ sở này được miễn thực hiện chương trình quan trắc khí thải định kỳ theo quy định của pháp luật.
7. Đối tượng quy định tại khoản 2 Điều này được miễn thực hiện quan trắc khí thải định kỳ đối với các thông số đã được quan trắc tự động, liên tục.
8. Kết quả quan trắc khí thải định kỳ, quan trắc khí thải tự động, liên tục được sử dụng để cấp giấy phép xả khí thải công nghiệp.
9. Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn kỹ thuật về quan trắc khí thải định kỳ, quan trắc khí thải tự động, liên tục; sử dụng số liệu quan trắc khí thải tự động, liên tục.
Nghị định 40/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 2019
--------------------------------
☎️ Liên hệ với chúng tôi qua hotline: 0978901181 để được tư vấn cụ thể về giải pháp phù hợp nhất với doanh nghiệp của bạn.
Email: cwer.contact@gmail.com
Địa chỉ: Tầng 7 — Tòa nhà Liên hiệp các Hội KHKT TP.HCM, 224 Điện Biên Phủ, P.7, Q.3, TP.HCM.